Tư tưởng quân phiệt Fukuzawa_Yukichi

Fukuzawa cũng thể hiện tư tưởng có phần quá khích trong quan hệ với nước châu Á láng giềng. Ông viết: "Giờ đây nếu phải chờ nhà Thanh lẫn Triều Tiên đều cận đại hóa để cùng có một châu Á phồn vinh thì e không kịp nữa. Nhật Bản phải thoát ra khỏi Á châu ngay và sẽ tiếp cận với nhà Thanh và Triều Tiên với cùng một cách thức như các nước Âu - Mỹ mới được". Điều đó có nghĩa là ông khuyên Nhật Bản cũng phải gia nhập vào nhóm các nước đang cạnh tranh xâm chiếm thuộc địa ở vùng Đông Á như Âu - Mỹ. 20 năm sau thì đúng là Nhật Bản đã làm theo ý kiến mà Fukuzawa đề xướng, nghĩa là đua tranh với các nước thực dân Âu - Mỹ trong việc xâm chiếm các nước vùng Đông Á[1]

Chủ nghĩa xã hội Darwin đã tác động sâu sắc đến Fukuzawa, ông cho rằng Nhật Bản phải thôn tính các nước châu Á để tránh việc bị các nước phương Tây xâm chiếm ("hoặc ăn thịt kẻ khác, hoặc bị kẻ khác ăn thịt"). Vì vậy, ông đã cổ vũ cho việc Nhật Bản xâm chiếm Triều Tiên và gây chiến với Trung Quốc[3].

Sự ủng hộ nhiệt tình của Fukuzawa đối với Chiến tranh Thanh-Nhật có liên quan nhiều đến quan điểm ​​của ông về hiện đại hóa. Giống như nhiều bạn bè của mình trong chính phủ, Fukuzawa tin rằng việc hiện đại hóa châu Á chỉ có thể đạt được bằng vũ lực. Fukuzawa hy vọng một màn trình diễn về sức mạnh quân sự của Nhật sẽ làm chấn động dư luận ở phương Tây và giúp Nhật Bản tránh khỏi số phận bị xâu xé của Trung Quốc. Với hy vọng về một Nhật Bản mạnh mẽ, Fukuzawa đã xem các quốc gia châu Á vừa là mối đe dọa, vừa là cơ hội để Nhật thể hiện sức mạnh quân sự và chiếm làm thuộc địa.

Năm 2004, Yo Hirayama đã nghiên cứu di sản của bài viết "Thoát Á luận" và kết luận rằng nó đã gần như bị lãng quên từ khi được xuất bản vào năm 1885 cho đến những năm 1950, khi nó bắt đầu được trích dẫn lại và được coi là một ví dụ tiêu biểu về chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong thời Minh Trị[4]